Một lượng lao động lớn sẽ có việc làm, khu vực lân cận dự án cũng sẽ hưởng lợi từ các dịch vụ đi kèm…
Cần, và ra sức thu hút nhà đầu tư, được nhà đầu tư đồng ý bỏ tiền, nhưng lại chưa đảm bảo được điều kiện triển khai, dẫn đến đọng vốn doanh nghiệp.
“Tiền đền bù giải phóng mặt bằng người dân đã nhận đến 98%, thế nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn chưa bàn giao được một m2 đất nào cho chủ đầu tư để họ khởi công. Tỉnh chưa làm được tốt vai trò của mình”, ông Bùi Minh Hồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói với báo giới.
Muốn dân hiểu và đồng thuận
Thưa ông, thời gian vừa qua, có ý kiến cho rằng, tập đoàn FLC “lấy đất trồng lúa” của người dân tại Vĩnh Phúc làm khu công nghiệp, nhưng lại “bỏ hoang”, không thi công. Là người phát ngôn của địa phương, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Tôi biết là nhà báo đang nói đến dự án khu công nghiệp Chấn Hưng, tại Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước hết tôi phải nói rằng, đây là dự án đã được phê duyệt từ lâu, chứ không phải mới có ở đây. Đã qua hai chủ đầu tư trước đó, nhưng dự án vẫn chưa làm được, nên lãnh đạo địa phương rất sốt ruột.
Chúng tôi đã nỗ lực tìm nhà đầu tư để triển khai dự án này. Và tỉnh đang rất trông chờ vào FLC.
Tiền đền bù giải phóng mặt bằng người dân đã nhận đến 98%, thế nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn chưa bàn giao được một m2 đất nào cho chủ đầu tư để họ khởi công. Tỉnh chưa làm được tốt vai trò của mình.
Vậy hướng xử lý sắp tới của Vĩnh Phúc đối với dự án khu công nghiệp này là gì?
Chúng tôi đã hai lần lên phương án cưỡng chế, nhưng cuối cùng lại không thực hiện. Câu chuyện không phải là không thể làm, mà chúng tôi muốn có được sự đồng thuận của người dân.
Dự án sẽ tốt cho nhân dân Vĩnh Phúc, bởi khi đi vào hoạt động, sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn, và từ đó có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động địa phương.
Chúng tôi đã thực hiện rút kinh nghiệm và sẽ lên phương án tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận. Vĩnh Phúc đang nỗ lực lấy lại vị thế của mình trong việc thu hút vốn đầu tư thời gian tới đây.
Lợi ích chung lâu dài từ dự án du lịch
Đối với dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort giai đoạn 2, nhiều người dân tỏ ra bất ngờ với điều này. Vì sao lại có quy hoạch dự án này ở khu vực đất nông nghiệp, thưa ông?
Không chỉ là chủ trương của Vĩnh Phúc, mà Nghị quyết Trung ương 12 vừa qua cũng nêu rõ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế là bắt buộc.
Với Vĩnh Phúc, tỉnh xác định phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó giảm tỷ lệ kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế.
Chúng tôi xác định, dịch vụ du lịch là một mũi nhọn. Với chủ trương đó, chúng tôi đã có những bước đi rất cụ thể, đã vận động được doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ Đô…
Và một trong các dự án mà chúng tôi cho rằng sẽ mang lại lợi ích kinh tế – xã hội rất lớn cho tỉnh, đó là FLC Vĩnh Thịnh, do FLC làm chủ đầu tư. Dự án này nằm ngay cạnh cầu Vĩnh Thịnh, cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy một giờ đi xe.
Tôi không nhắc đến lợi thế nhà đầu tư, vì dĩ nhiên nếu không hiệu quả, không nhà đầu tư nào muốn làm. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến lợi thế của tỉnh, huyện, xã và đặc biệt là của người dân.
Nếu chúng ta có được một khu như Đại Nam ở Bình Dương, hay một dự án quần thể du lịch 250 ha như FLC đầu tư, thì một lượng lao động lớn của xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, và của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung sẽ có việc làm.
Ngoài ra, với hàng ngàn lượt du khách đến với quần thể này mỗi ngày, toàn bộ khu vực lân cận dự án chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi từ việc cung cấp các dịch vụ đi kèm.
Trước khi ban hành quy hoạch 1/2000 của khu vực 250 ha, Vĩnh Phúc đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Còn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, thì tôi đã đi xem trực tiếp khu đất 250 ha này.
Tại đây, hầu hết diện tích đất quy hoạch có lượng lớn là trồng cỏ để nuôi bò.
Với người dân đang cho thuê đất với mức 1,5-1,7 triệu đồng/sào/năm, thì việc chuyển đổi sẽ giúp họ được hưởng lợi lớn hơn. Với mức đền bù khoảng 80 triệu đồng/sào, nếu gửi tiền tiết kiệm theo lãi suất hiện nay họ cũng đã được khoảng 5 triệu đồng/năm cho mỗi sào.
Còn với người dân chăn nuôi bò sữa, như các bạn cũng biết, sắp tới, khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cạnh tranh của ngành sữa với nước ngoài như New Zealand sẽ tăng lên, giá sữa thu mua chắc chắn sẽ giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của người nuôi bò.
Cho nên trong vai trò của tỉnh, điều chúng tôi mong muốn là nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân, và việc thu hút nhà đầu tư cũng phải tuân thủ theo mục tiêu này.
Cuối tuần qua, chúng tôi cũng đã cùng lãnh đạo tỉnh về gặp trực tiếp người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, từng bước tìm ra giải pháp toàn diện, đảm bảo lợi ích cho người dân. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, giải quyết thu nhập và việc làm cho người dân là việc quan tâm hàng đầu.
Sẽ tìm phương án phù hợp
Có ý kiến cho rằng, thủ tục pháp lý của dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort “có vấn đề”. Có phải vì mục tiêu thu hút đầu tư mà tỉnh đã ưu tiên cho FLC mà vượt qua quy trình thủ tục?
Tôi phải khẳng định là, đến bây giờ, tất cả các bước đều đúng thủ tục pháp lý, không bỏ qua bất kỳ bước nào.
Hiện nay chúng ta đã có quy hoạch 1/2000. Đây là quy hoạch đi trước một bước, quy hoạch tổng thể. Căn cứ vào quy hoạch 1/2000, FLC đề xuất đầu tư vào khu vực này, và trên cơ sở góp ý từ tất cả các sở, ngành, chúng tôi đã ban hành quyết định về chủ trương đầu tư dự án. Từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho FLC.
Về việc khánh thành giai đoạn 1 FLC Vĩnh Thịnh, chủ đầu tư làm là đúng. Việc FLC công bố triển khai giai đoạn 2 dự án cũng không sai. Hiện tỉnh đang phối hợp với FLC để tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/500 và chuẩn bị các bước cho công tác giải phóng mặt bằng.
Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân thấy và hiểu được lợi ích chung to lớn của dự án, cũng như tìm phương án di chuyển khu vực chăn nuôi bò hay chuyển đổi nghề phù hợp cho các hộ dân có liên quan.
* Dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort giai đoạn 1 tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô giai đoạn 1 trên 7,3 ha, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, đã khai trương hôm 6/3 vừa qua. Giai đoạn 2 của dự án có quy mô diện tích trên 250 ha, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục lớn như: học viện golf, khu tâm linh, khu công viên giải trí theo mô hình Disneyland, khu vườn thú tự nhiên và khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao quốc tế…
FLC Vĩnh Thịnh Resort một mặt giáp sông Hồng, một mặt giáp cầu Vĩnh Thịnh, cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 1 giờ lái xe, đồng thời kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch của miền Bắc như quốc lộ 2A, quốc lộ 2C; tỉnh lộ 304, 309; đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Những thuận lợi về mặt giao thông khiến FLC Vĩnh Thịnh Resort được đánh giá sẽ trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.